Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

  • 19/01/2023
  • 135
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Ngày 5-1-2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan thường trực tại miền Nam Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính - Marketing đồng tổ chức hội thảo khoa học: “Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Tài chính - Marketing dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing; PGS, TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực tại miền Nam của Tạp chí Cộng sản. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Quang cảnh hội thảo_Ảnh: Cao Siêng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của Việt Nam. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, “đầu tàu”, hạt nhân, dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên nhiều phương diện; có nhiệm vụ dẫn dắt, hỗ trợ các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương trong vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát biểu chào mừng, PGS, TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, thời gian qua, đã có rất nhiều các quyết sách phát triển vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được ban hành và đang trong quá trình triển khai thực hiện, tuy nhiên để những quyết sách này sớm phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thực tiễn cao cần có những giải pháp cụ thể, sát hợp để nhanh chóng đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong thời gian tới. So với cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy chỉ chiếm 8% diện tích, 17% dân số nhưng nhiều năm nay sản xuất của vùng đạt hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 40%, tăng trưởng kinh tế bình quân gấp hơn 1,5 lần, thu ngân sách chiếm hơn 44% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vùng hội tụ đủ điều kiện, lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế…

Tại báo cáo đề dẫn do PGS, TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ trình bày đã cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều điểm nổi bật, song về tổng thể sự phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Thách thức này ngày càng lớn hơn trong bối cảnh mới hiện nay khi đất nước bước vào chu kỳ phát triển mới, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng tạo ra những thời cơ nhưng cũng mang đến nhiều thách thức mới.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận_Ảnh: Cao Siêng

Để góp phần luận giải thực trạng, từ đó phân tích sâu, làm rõ những thành tựu, hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các điểm nghẽn trong phát triển; nhận diện nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị vào thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Ban Tổ chức đề nghị hội thảo tập trung thảo luận chung quanh các vấn đề: Thứ nhất, quan điểm, định hướng, chủ trương và thể chế phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Thứ hai, các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với 25 tham luận đăng trong kỷ yếu và 10 đại biểu trình bày tham luận, phát biểu thảo luận, nội dung tập trung bàn thảo các vấn đề chính:

Một là, quan điểm, định hướng, chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua, đặc biệt là phân tích các vấn đề về thể chế cho sự kết nối, liên kết và phát triển của từng địa phương và cả vùng.

Hai là, phân tích các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là 3 trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Các phân tích đã chỉ ra các kết quả đạt được, hạn chế, điểm nghẽn, nguyên nhân và từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho các cơ quan Trung ương, địa phương góp phần phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới.

Kết luận hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khoa học, khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học quốc gia: “Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra; những ý kiến tham luận tại hội thảo đã đưa ra những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng để góp phần phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh mới. Những kết quả của hội thảo sẽ được Ban Tổ chức chọn lọc, hoàn chỉnh để xã hội hóa dưới dạng các bài viết đăng trên ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản; đồng thời, các kết quả của hội thảo sẽ được chắt lọc làm nội dung báo cáo, kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan nhằm góp phần triển khai xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, đường hướng của Đảng, từ đó làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước./.


  • Nguyễn Cao Siêng