Những thành tựu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

  • 10/05/2023
  • 387
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Ngày 25-4-2023, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Những thành tựu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra”.

Các đồng chí: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ, với chức năng là cơ quan tư vấn về lý luận chính trị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trọng điểm cấp quốc gia đặc biệt (mã số KX.04/21-25) nhằm xây dựng và cung cấp các cơ sở khoa học, luận cứ thực tiễn phục vụ cho việc chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Trong khuôn khổ nhiệm vụ chung đó, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25 phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài KX.04.02/21-25 (Những thành tựu phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới) tổ chức Hội thảo: “Những thành tựu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra”.

Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo_Ảnh: Phạm Hùng

GS, TS Tạ Ngọc Tấn đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo tập trung thảo luận hai nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, những thành tựu và vấn đề đặt ra về xây dựng Đảng qua 40 năm đổi mới; trong đó, tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung chủ yếu sau: 1- Những phát triển mới và vấn đề đặt ra trong nhận thức về Đảng, đặc biệt là nhận thức về tính chất của Đảng, về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, về vai trò, trách nhiệm của Đảng trong mối quan hệ Đảng - Nhà nước - nhân dân; 2- Những thành tựu và vấn đề đặt ra về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng: Công tác tư tưởng và xây dựng thiết chế công tác tư tưởng; xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận về đổi mới, từ mô hình mục tiêu, phương hướng phát triển, các mối quan hệ lớn, những đặc trưng về kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…; 3- Những thành tựu và vấn đề đặt ra trong công tác tổ chức, cán bộ: Xây dựng, hoàn thiện từng bước tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị nói chung, các hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thành tựu và hạn chế về công tác cán bộ; 4- Những thành tựu và vấn đề đặt ra trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; 5- Những thành tựu và vấn đề đặt ra trong công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, những thành tựu và vấn đề đặt ra trong xây dựng hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới; trong đó, tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung sau: 1- Những phát triển mới và vấn đề đặt ra trong nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện, đặc điểm, yêu cầu của Việt Nam; 2- Những thành tựu và vấn đề đặt ra trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; 3- Những thành tựu và vấn đề đặt ra trong xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Với tham luận “Những phát triển mới về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng qua 40 năm đổi mới”, PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, quá trình nhận thức của Đảng về phương thức lãnh đạo, cầm quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền sau 40 năm đổi mới là một bước tiến dài và trong mỗi quá trình đó, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn trọng trách của một đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà nhân dân giao phó. Đặc biệt, những kết quả trong hoàn thiện đường lối đổi mới, tăng cường lãnh đạo và quản lý trực tiếp về mọi mặt đối với công tác tổ chức - cán bộ, nắm chắc công tác tư tưởng, tăng cường công tác kiểm tra và phát huy vai trò nêu gương của tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng quy chế làm việc khoa học… là hướng đi đúng đắn, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện sứ mệnh chính trị của mình. Điều đó cho thấy những đổi mới quan trọng và mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Những kết quả to lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội, vị thế của đất nước, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng.

Trong tham luận “Cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra yêu cầu nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã hệ thống hóa quá trình nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện rõ ở 3 giai đoạn: Nhận thức manh nha về các mối quan hệ lớn trong hệ thống lý luận của Đảng (lần đầu tiên xuất hiện trong Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 10 khóa III); từ khi đổi mới đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); từ năm 2011 đến nay. Qua các giai đoạn, Đảng ta có những bước tiến về tư duy lý luận; nhận thức ngày càng rõ hơn về nội hàm, nội dung của các yếu tố cấu thành trong từng mối quan hệ cũng như về sự tác động tương hỗ, biện chứng của các yếu tố với nhau. Qua thực tiễn phát triển, Đảng ta khẳng định, những mối quan hệ lớn là những vấn đề cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt là, những mối quan hệ lớn phản ánh quy luật có tính biện chứng, có mức độ khái quát rất cao, có tính tất yếu, phổ biến.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo_Ảnh: Phạm Hùng

Đánh giá kết quả vận dụng những thành tựu lý luận của Đảng về lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới, PGS, TS Lâm Quốc Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, nhận thức của Đảng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã có những bước phát triển quan trọng: Đã bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ lý luận về vai trò, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; nhận thức rõ hơn về yêu cầu Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về vai trò của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện đường lối đổi mới; tăng cường công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng...

Trình bày tham luận “Những thành tựu lý luận nổi bật về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam và vấn đề đặt ra”, GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã khái quát những thành tựu về lý luận của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể hiện ở 6 nội chung chủ yếu là: 1- Luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; 2- Tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; 3- Kiên quyết, kiên trì giữ vững sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, thuộc về nhân dân, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; 4- Công tác cán bộ trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; 5- Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước, có quyết tâm chính trị cao, với bước đi, lộ trình phù hợp; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; 6- Nhận thức đúng đắn và bảo đảm sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy, tổ chức đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh và nhất quán...

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khoa học, khách quan, dân chủ và khẩn trương, Hội thảo “Những thành tựu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra” đã thành công tốt đẹp, hoàn thành mục tiêu, nội dung, chương trình đề ra. Với 8 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo và 15 tham luận gửi tới hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã làm rõ một số vấn đề, nội dung cơ bản sau:

Một là, đi sâu phân tích về quá trình nhận thức lý luận của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới ở nước ta và vị trí, vai trò, ý nghĩa của những thành tựu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong quá trình phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hai là, làm rõ những thành tựu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam; đặc biệt, đã làm rõ được vị trí, vai trò “then chốt” của Đảng trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới; làm rõ quá trình chuyển biến trong nhận thức: từ chỗ lẫn lộn, chồng lấn sang phân tách, phân định rõ hơn chức năng lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với chức năng quản lý, điều hành của Nhà nước, chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mỗi giai tầng xã hội.

Ba là, khái quát những thành tựu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua 40 năm đổi mới trong từng lĩnh vực cụ thể, như: Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kiểm soát quyền lực; xây dựng chính quyền địa phương; trong đổi mới tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; trong nhận thức, xử lý các mối quan hệ lớn… và thực tiễn vận dụng các thành tựu ở các lĩnh vực, địa phương, nhận diện những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục và những nguyên nhân của kết quả, hạn chế đó.

Bốn là, chỉ rõ những “khoảng trống” trong lý luận và những hạn chế, yếu kém trong thực tiễn triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thời gian qua, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đòi hỏi cần phải tiếp tục tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới.

Trên cơ sở những tham luận, các ý kiến trao đổi tại hội thảo, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25 sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ. Về phía Tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sẽ tiến hành chọn lọc những bài viết có chất lượng để biên tập, đăng tải kịp thời trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản./.



  • Phạm Hùng