Thư viện Tạp chí Cộng sản giới thiệu sách mới tháng 9-10/2024

  • 24/10/2024
  • 76
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

BAN THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

                               THƯ VIỆN

 

DANH MỤC GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Tháng 9-10/2024

 

1. Chính sách công so sánh (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS. TS. Hồ Việt Hạnh, TS. Kiều Quỳnh Anh

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20916

Tóm tắt: Khoa học chính sách, chính sách công vốn là một trong những lĩnh vực nghiên cứu của khoa học chính trị được tách ra thành môn khoa học độc lập. Nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “Chính sách công so sánh” dựa trên nền tảng lý luận về khoa học chính sách hiện đại của các nước phát triển và thực tiễn Việt Nam. Trên tinh thần đó, cuốn sách được trình bày với những nội dung cơ bản sau: Khái luận chung về chính sách công; So sánh việc hoạch định chính sách, thực thi chính sách, đánh giá chính sách công ở cả thể chế chính trị đa nguyên và nhất nguyên, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Cuốn sách giúp chúng ta nhận thấy rõ sự tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam với các quốc gia nhất nguyên, đa nguyên, đa đảng cầm quyền trong quy trình chính sách.

 

2. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới

Tác giả: TS. Phí Vĩnh Tường

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20917

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế mới

Chương 2: Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới 2011 - 2020

Chương 3: Chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới

 

3. Quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Vũ Hoàng Linh

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20918

Tóm tắt: Cuốn sách có kết cấu bao gồm ba chương chính sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về quản lý thương mại điện tử;

Chương 2: Thực trạng quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam;

Chương 3: Định hướng, giải pháp quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

 

4. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của các nước châu Á và hàm ý cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Nguyễn Hồng Thu

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20919

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế nên đã rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp này thông qua việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với đặc điểm nhân khẩu học trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao, nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và được chính phủ quan tâm, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cho thấy có nhiều tiềm năng phát triển. Mặc dù có sự phát triển ấn tượng trong vài năm qua, song hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn non trẻ và mới ở giai đoạn bắt đầu nên hệ sinh thái này đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một số nước châu Á như: Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ... có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam.

 

5. Hệ sinh thái công nghiệp 4.0: Nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam

Tác giả: TS. Đinh Công Tráng

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20920

Tóm tắt: Bước vào kỷ nguyên phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), là một quốc gia đang phát triển năng động và tích cực, Việt Nam có cơ hội rất lớn để có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước thông qua việc nắm bắt và tận dụng tốt nhất những thành quả của cuộc CMCN lần này. Phát triển KHCN làm động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chiến lược dài hạn thúc đẩy phát triển KHCN quốc gia và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp trong CMCN 4.0. Trong lĩnh vực công nghiệp, Israel là quốc gia có nhiều kinh nghiệm xây dựng chính sách kiến tạo môi trường sinh thái cho các ngành công nghiệp phát triển. Nhờ chính sách năng động và khả năng kết nối cao, quốc gia này đã xây dựng được hệ sinh thái công nghiệp lớn mạnh và có tính cạnh tranh hàng đầu thế giới. Với những lý do trên, việc ra mắt cuốn sách Hệ sinh thái công nghiệp 4.0 Israel với nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp 4.0 của Israel để từ đó đề xuất hệ giải pháp và kiến nghị chính sách xây dựng hệ sinh thái công nghiệp 4.0 tại Việt Nam có tính cấp thiết cả lý luận và thực tiễn.

 

6. Liên kết phát triển dịch vụ Logistic tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Phan Thị Sông Thương

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20921

Tóm tắt: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics trở thành một trong những trung tâm logisitcs mang tầm khu vực và quốc tế. Cuốn sách phân tích thực trạng liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng về quy hoạch, chính sách, hạ tầng, thị trường, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, liên kết phát triển dịch vụ logistic ở vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn; lĩnh vực dịch vụ logistic của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí, vai trò của vùng. Từ thực tiễn đó, cuốn sách đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới.

 

7. Phát triển bền vững vùng Trung Bộ từ thực tiễn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS.TS. Hồ Việt Hạnh; TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Anh

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20922

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận phát triển bền vững vùng và khái quát địa bàn nghiên cứu;

Chương 2: Thực trạng phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung;

Chương 3: Vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững Trung Bộ.

 

8. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Tác giả: Triệu Thanh Quang

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20923

Tóm tắt: Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp tại Việt Nam. Quá trình tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp góp phần gia tăng hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Cuốn sách làm rõ các khái niệm, vai trò và thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bền vững ở nước ta, từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

 

9. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ theo hướng bền vững (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Hoàng Hồng Hiệp

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20924

Tóm tắt: Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế vùng mặc dù có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng sự đóng góp của các ngành công nghiệp và dịch vụ, song tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP toàn vùng vẫn còn khá cao. Điều này hàm ý rằng, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Nam Trung Bộ, nhất là khu vực nông thôn. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của vùng đã có những bước phát triển về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, các loại hình dịch vụ đa dạng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước trở thành chỗ dựa tin cậy cho các thành viên, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động của HTX nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Cuốn sách cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng cho định hướng phát triển HTX nông nghiệp tại vùng Nam Trung Bộ theo hướng bền vững trong bối cảnh mới, góp phần quan trọng thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại vùng Nam Trung Bộ.

 

 

10. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường vùng trung du và miền núi phía Bắc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Phạm Thị Trầm

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20925

Tóm tắt: Nội dung trong cuốn sách đã góp phần khẳng định việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc thay đổi chiến lược, mục tiêu, cách thức tổ chức và hoạt động trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp nhằm khai thác, tận dùng, tối đa lợi thể so sánh để tạo ra hiệu quả kinh tế; tạo ra năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong sự phát triển hài hòa của 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Nhóm tác giả khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với bảo vệ mội trường phải được xác định là quá trình sắp xếp, thay đổi và tổ chức lại các lĩnh vực và hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để phát huy lợi thế so sánh, tạo năng lực cạnh tranh đi đôi với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong đó tập trung vào các vấn đề: Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống nông nghiệp trước các tác động từ biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó vấn đề nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng của tự nhiên cũng như tài nguyên thiên nhiên đối với sự sống và sự phát triển bền vững nông nghiệp, giữ gìn, phòng ngừa và hạn chế tác động của hoạt động sản xuất đến các thành phần môi trường và khắc phục các tình trạng ô nhiễm, suy thoái trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng được nhóm tác giả đặc biệt nhấn mạnh.

            

11. Thay đổi cơ cấu việc làm và thu nhập của lao động Việt Nam trong bối cảnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Phạm Minh Thái

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20926

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Lý thuyết và khung phân tích về tác động của việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tới thị trường lao động;

Chương 2: Thay đổi cơ cấu lao động trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu;

Chương 3: Một số định hướng giải pháp hỗ trợ sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam.

 

12. Tái cấu trúc văn hóa của cư dân vùng biên trong bối cảnh phát triển thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20927

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và bối cảnh hóa địa bàn nghiên cứu;

Chương 2: Tái cấu trúc thực hành sinh kế, quan hệ giới và thực hành tiêu dùng;

Chương 3: Tái cấu trúc nghi lễ, lễ hội;

Chương 4: Tái cấu trúc văn hóa của cư dân vùng biên từ góc nhìn cấu trúc  - chủ thể tự quyết.

 

13. Truyền thông và ý thức quốc gia của một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Trần Hồng Thu

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20928

Tóm tắt: Ý thức quốc gia của tộc người sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Do đó, việc tăng cường các hoạt động truyền thông của Nhà nước về pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và củng cố ý thức quốc gia cho các tộc người ở vùng biên giới là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình xây dựng và củng cố quốc gia Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam, có một số nghiên cứu về truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số đã được tiến hành, nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách có hệ thống về hiệu quả và tác động của truyền thông đến ý thức quốc gia của các tộc người ở vùng biên giới, đặc biệt là ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nội dung cuốn sách phản ánh thực trạng  truyền thông liên quan đến ý thức quốc gia của tộc người Giáy và tộc người Hmông ở tỉnh Lào Cai và những phân tích về tác động của truyền thông đến ý thức quốc gia, ý thức tộc người của hai tộc người này. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị về chính sách truyền thông trong xây dựng ý thức quốc gia cho các tộc người ở khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

 

14. Văn hóa của người Nùng và người Hmông trong mối quan hệ tộc người liên biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Tác giả: Trần Thị Mai Lan

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20929

Tóm tắt: Ở nước ta, trong số các tộc người sinh sống ở vùng biên giới Việt – Trung, người Nùng cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Đông Bắc, người Hmông cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Đây là hai tộc người có dân số đông nhất, văn hóa có ảnh hưởng lớn đến văn hóa các tộc người trong vùng. Bối cảnh giao lưu mạnh mẽ ở khu vực biên giới đã tạo cơ hội mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa người Nùng và người Hmông với các tộc người khác trong nước và cả liên/xuyên biên giới. Tuy nhiên, quan hệ tộc người cũng như sự giao lưu văn hóa giữa hai tộc người này với các tộc người bên kia biên giới và đồng tộc của họ đã, đang diễn ra như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay còn là vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Cuốn sách đã đánh giá thực trạng đời sống văn hóa hiện nay của một số tộc người ở vùng biên giới; phân tích ảnh hưởng của văn hóa một số dân tộc ở Trung Quốc đến người Nùng và người Hmông ở tỉnh Cao Bằng; từ đó chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng, những vấn đề đặt ra cũng như các giải pháp về phát triển văn hóa tộc người và xây dựng văn hóa quốc gia vùng biên giới tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới. Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định và dự báo mức độ ảnh hưởng văn hóa của một số tộc người ở Trung Quốc đối với việc phát triển bền vững văn hóa tộc người vùng biên giới phía Bắc; đồng thời góp phần xây dựng và khẳng định hệ giá trị văn hóa quốc gia Việt Nam trong bảo đảm an ninh chính trị quốc gia.

 

15. Di cư lao động xuyên biên giới của một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Vũ Đình Mười

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20930

Tóm tắt: Sau khi thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc về phát triển kinh tế vùng biên, và cơ chế linh hoạt trong quản lý xuất nhập cảnh, hiện tượng di cư lao động xuyên biên giới có sự gia tăng nhanh chóng. Hiện tượng di cư lao động này đã nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu. Nội dung chính của cuốn sách đề cập đến thực trạng, nguyên nhân di cư lao động sang Trung Quốc của người Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, và tác động của việc di cư lao động đến sự phát triển vùng biên giới. Những nội dung này đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách dân tộc, chính sách phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới trong bối cảnh hiện nay.

 

16. Ý thức quốc gia – dân tộc ở các tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Bình, Vương Xuân Tình

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20931

Tóm tắt: Ý thức quốc gia dân tộc là nhân tố rất quan trọng trong quá trình xây dựng dân tộc, hay xây dựng quốc gia dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong lịch sử xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam, ý thức quốc gia – dân tộc luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự ổn định và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Dẫu là các nhóm tộc người tại chỗ, phát triển từ các nhóm người cổ đại hình thành trên lãnh thổ Việt Nam, hay các tộc người di cư từ Nam Trung Quốc và vùng hải đảo tới trong lịch sử một vài trăm năm đến hàng nghìn năm qua, các dân tộc ở nước ta luôn coi Việt Nam là tổ quốc của mình và góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù có vị trí quan trọng như vây, song nhiều thập kỷ qua, việc nghiên cứu về ý thức quốc gia – dân tộc ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu ý thức của cư dân vùng biên đối với quá trình kiến tạo quốc gia – dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và bảo vệ đất nước hiện nay.

 

17. Quá trình thương mại hóa lâm sản ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Nguyễn Công Thảo

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20932

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách được cấu trúc thành các chương như sau:

Chương 1: Giới thiệu chung;

Chương 2: Chính sách và thực trạng lâm sản ở vùng biên giới Việt – Trung;

Chương 3: Yếu tố tộc người trong quá trình thương mại lâm sản ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai;

Chương 4: Tác động của các dòng chảy lâm sản tới người Dao và người Hmông, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai;

Chương 5: Kiến nghị và Giải pháp.

 

18. Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Chu Phương Quỳnh

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20933

Tóm tắt: Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR), một thành tố của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được Trung Quốc công bố sau cùng (tháng 3/2015) trong tài liệu chính thức “Tầm nhìn và hành động để xây dựng con đường tơ lụa kinh tế và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, nhưng DSR lại thu hút sự chú ý hơn cả, DSR được coi là chất xúc tác khiến cho hai thành tố còn lại của BRI bao gồm: Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và Con đường tơ lụa kinh tế thành công… Theo đó, các tác giả nhận định DSR là một nỗ lực toàn diện và đầy tham vọng của Trung Quốc, bản chất của DSR là gia tăng chủ quyền không gian mạng, kiểm soát an ninh mạng và là phương tiện để Trung Quốc phổ cập khái niệm này vượt ra khỏi biên giới – điều mà Mỹ gọi là xuất khẩu “chủ nghĩa độc tài số”, chiến lược chủ đạo của DSR là tăng tính tự cường của ngành công nghiệp trong nước và đưa các doanh nghiệp Trung Quốc ra toàn cầu; Định hình quản trị mạng toàn cầu theo đặc điểm của Trung Quốc. Nhóm tác giả khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng tự chủ về công nghệ hoặc ít nhất giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc; Xây dựng chương trình hành động chung của khối ASEAN về công nghệ và kỹ thuật số để hạn chế những tác động tiêu cực từ sức ép phải “chọn phe” dựa trên quan điểm: Việt Nam không phản đối DSR, để ngỏ khả năng tham gia DSR trong một số lĩnh vực chọn lọc. Đồng thời hành xử thận trọng để không đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

 

19. Chiến lược kết nối của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á lục địa giai đoạn hiện nay (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Trần Thị Hải Yến

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20934

Tóm tắt: Trong tư duy chiến lược của Trung Quốc, Đông Nam Á lục địa luôn là sân sau đảm bảo an ninh quan trọng của biên giới phía Tây Nam Trung Quốc. Những năm gần đây, khi Trung Quốc mạnh lên, Đông Nam Á lục địa đã đón nhận làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc, cũng như sự hiện diện ngày một mạnh mẽ của quốc gia này trên tất cả các lĩnh vực. Sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc cũng như cách tiếp cận khác nhau với mỗi quốc gia đang tạo nên sự khác biệt trong phản ứng của các nước Đông Nam Á lục địa với chiến lược kết nối của Trung Quốc. Điều này thực sự tạo ra những thách thức cho quá trình đoàn kết khu vực cũng như cùng giải quyết các vấn đề của Đông Nam Á lục địa cũng như của cả ASEAN. Với cách tiếp cận linh hoạt, chiến lược kết nối của Trung Quốc ở Đông Nam Á lục địa đã được thực hiện khá tích cực thời gian vừa qua. Trung Quốc đã kết hợp cơ chế đa phương và song phương trong kết nối với các nước Đông Nam Á lục địa. Cơ sở hạ tầng là lĩnh vực kết nối nổi bật của chiến lược này, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra mạng lưới thông suốt với Trung Quốc, từ đó gia tăng ảnh hưởng với các nước Đông Nam Á lục địa. Mặc dù triển khai tích cực, chiến lược kết nối của Trung Quốc ở Đông Nam Á lục địa chưa có được sự thành công như mong đợi của Trung Quốc bởi các dự án Trung Quốc coi là huyết mạch vẫn còn chưa hoàn thiện. Lực cản cho quá trình này là tính minh bạch, tính bền vững, chất lượng thực sự và những nghi ngại về chính trị trong các dự án đầu tư. Việt Nam với vai trò là điểm nối cũng sẽ cần phải có những nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện để quyết định những bước đi tiếp theo trong chiến lược kết nối này của Trung Quốc.

 

 

20. Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Vũ Hải Minh

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20935

Tóm tắt: Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với toàn bộ Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, giúp Việt Nam đẩy mạnh được hội nhập quốc tế với vai trò là trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực, hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á; Lập trường và quan điểm của Việt Nam là không đứng về bất kỳ quốc gia nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á – một khu vực có vị thế chiến lược rất lớn, nằm trên tuyến đường thương mại sầm uất bậc nhất thế giới, kết nối giữa Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, hướng tới Ấn Độ, Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh. Và điều quan trọng cần nhất mà nhóm tác giả khuyến nghị đó chính là Việt Nam phải tranh thủ thời cơ, ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với các thách thức do cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang tạo ra tại khu vực, tạo đà cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của chính mình.

 

21. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc: Hiện trạng, xu thế và tác động đến Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hải Yến

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20936

Tóm tắt: Có thể nói, phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa Mỹ - Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế lớn nhất (xét về quy mô và độ phức tạp) trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, trong khi các nhà lý luận theo trường phái tự do cho rằng các nước càng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế thì càng “hòa thuận” với nhau về mặt chính trị - ngoại giao và làm giảm khả năng xung đột song phương (trừ trường hợp mối quan hệ phụ thuộc đó quá bất đối xứng, khi mà bên mạnh hơn có thể gây sức ép với bên yếu hơn về mặt kinh tế nhằm đạt những mục tiêu chính trị, từ đó dẫn đến xung đột), thì diễn tiến của quan hệ Mỹ - Trung thời gian gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Quan hệ kinh tế song phương phát triển với tốc độ nhanh, sự phụ thuộc giữa hai bên ngày càng sâu sắc, không chỉ dừng ở thương mại mà còn cả về đầu tư, tài chính, chuỗi cung ứng … lại không song hành với sự “hòa dịu” trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, dường như việc mối quan hệ phụ thuộc này diễn tiến theo hướng cân bằng hơn (giảm tương đối sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ so với sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về kinh tế) không giúp cho quan hệ song phương bớt xung đột, mà lại khiến các bất đồng bùng phát mạnh hơn, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

 

22. Chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông mở rộng: Nhìn từ Thỏa thuận Hòa bình Mỹ - Taliban (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Nguyễn Khánh Vân

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20937

Tóm tắt: Chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông mở rộng trên thực tế phản chiếu những gì đang diễn ra tại Afghanistan. Mong muốn của Mỹ không chỉ là khép lại một cuộc chiến, mà cả một di sản của kỷ nguyên hậu ngày 11/9, giai đoạn mà chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối bởi lăng kính chống khủng bố. Trung Đông mở rộng từng là tâm điểm của hoạt động chống khủng bố, quan tâm và nguồn lực của Mỹ đồ vào thế giới Ả Rập - Hồi giáo, và giờ đây tất cả cần được xem xét lại. Điều này sẽ kéo theo những biến đổi của tương lai khu vực cũng như vai trò và các mối quan hệ của Mỹ tại đây. Các chính sách an ninh, đối ngoại và các mối quan hệ quốc tế của Mỹ tại khu vực sẽ buộc phải điều chỉnh để thích ứng với thực tế đã được nhận thấy rõ là một sự giảm cam kết của Washington. Bản thân các quốc gia trong khu vực phải nhìn nhận, đánh giá lại về vai trò của Mỹ và sẽ có những chuyển đổi trong chính sách đối với Mỹ. Như vậy, Thỏa thuận Hòa hòa bình Mỹ - Taliban phản ánh sự đột phá trong chiến lược của Mỹ tại khu vực ảnh hưởng quan trọng nhất của Washington. Nó gợi lên rằng những chính sách của Mỹ đối với khu vực này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm quan tâm và nguồn lực để phù hợp với ưu tiên và lợi ích mới của nước Mỹ trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Nó cũng củng cố cho xu hướng lớn chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ từ Tây sang Đông, từ Trung Đông mở rộng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang được định hình ngày càng rõ ràng. Trên cơ sở đó, nội dung cuốn sách này muốn làm sáng tỏ về sự vận động và thay đổi về đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ tại khu vực Trung Đông mở rộng hiện nay, thông qua một điểm nghiên cứu là Thỏa thuận Hòa bình Mỹ - Taliban.

 

23. Chính sách phát triển vùng của một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và hàm ý cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Hoàng Xuân Trung

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20938

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách phân tích cơ sở lý luận về chính sách phát triển vùng; phân tích các các chính sách phát triển vùng ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ba Lan, đồng thời chỉ ra thành công và hạn chế trong việc thực hiện chính sách phát triển vùng ở những nước này; Từ việc tổng kết sự thực hiện chính sách phát triển vùng ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ba Lan, cuốn sách hướng đến đóng góp vào việc xây dựng chính sách phát triển vùng nói riêng và phát triển bền vững nói chung ở Việt Nam.  

 

24. Một số vấn đề trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường của Đài Loan và những gợi mở cho Việt Nam

Tác giả: TS. Vũ Thùy Dương

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20939

Tóm tắt: Việt Nam và Đài Loan có nhiều điểm tương đồng về điều kiện địa lý, quá trình phát triển kinh tế cũng như cùng chịu những tác động nặng nề về môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và biến đổi khí hậu. Hiện, tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang ở mức báo động đỏ, nếu không nhanh chóng có các giải pháp hữu hiệu để phục hồi môi trường, không những chất lượng cuộc sống của người dân bị suy giảm, mà còn tạo ra nhiều “rào cản” đối với sự phát triển bền vững đất nước. Công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mà cần có sự hợp tác, phối hợp và chung sức của cả cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở những điều kiện thực tế trong quan hệ giữa Việt Nam và Đài Loan, nhóm tác giả khẳng định việc nghiên cứu đưa ra những phương án thích hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết, từ đó giúp chia sẻ những kinh nghiệm và góp phần tạo thêm cơ hội để tiếp cận với các kỹ thuật, công nghệ môi trường hiên đại của Đài Loan.

 

25. Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 - 2020 và dự báo đến năm 2030 (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Trần Hoàng Long

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20940

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách làm rõ khái niệm và phân biệt sự khác nhau nội hàm cạnh tranh, cạnh tranh chiến lược, chỉ ra các phương thức của cạnh tranh chiến lược. Phân tích cơ sở hình thành sự cạnh tranh chiến lược Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Nam Á. Phân tích thực trạng sự cạnh tranh chiến lược Ấn- Trung trên các lĩnh vực; chính trị - ngoại giao, an ninh, kinh tế, khoa học- công nghệ. Đánh giá đặc điểm, tác động sự cạnh tranh này đối với Ấn Độ và Trung Quốc và khu vực Nam Á, đưa ra những kịch bản dự báo về sự cạnh tranh này đến năm 2030. Đưa ra những hàm ý chính sách của Việt Nam đối với Ấn Độ và Trung Quốc cũng như bài học kinh nghiệm đối với  Việt Nam  trong việc tận dụng những cơ hội thuận lợi, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ sự cạnh tranh giữa các nước lớn và trong khu vực. 

 

26. Kết nối hạ tầng Việt Nam - Ấn Độ (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Đặng Thu Thủy

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20941

Tóm tắt: Kể từ năm 2016, Việt Nam - Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau và Việt Nam được xem là cầu nối giúp Ấn Độ kết nối được với khu vực mới nổi Đông Nam Á. Mặt khác, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ đã đề ra “Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân” vào tháng 12/2020, trong đó có nhấn mạnh đến tăng cường kết nối cứng và kết nối số để mở ra những chân trời mới cho quan hệ đối tác giữa hai nước. Tuy nhiên, quá trình kết nối hạ tầng giữa Việt Nam và Ấn Độ đến giai đoạn hiện tại mới chỉ dừng lại ở xây dựng cơ chế và hỗ trợ tài chính chứ chưa đi vào thực chất thông qua các dự án được triển khai. Nội dung cuốn sách phân tích, nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả thực chất hơn trong việc tăng cường kết nối hạ tầng giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

 

27. Phát triển thủy điện của Lào và tác động đến Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lan

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20942

Tóm tắt: Do đặc điểm địa hình có nhiều sông lớn nên phát triển năng lượng, đặc biệt thủy điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Lào. Lào không chỉ đặt mục tiêu cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, trở thành nguồn thu chính cho quốc gia này. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện đã gây nên nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, Việt Nam không thể ngăn cản việc xây dựng đập thủy điện của Lào trên dòng chings sông Mekong. Do đó, cần phải nhìn nhận những cơ hội để tận dụng được lợi thế và cố gắng giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc phát triển thủy điện tại Lào.

 

28. Chính sách phân phối thu nhập của Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. Lê Phương Hòa

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20943

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách nghiên cứu cơ sở hình thành chính sách phân phối thu nhập của Thái Lan; nghiên cứu một số chính sách phân phối thu nhập được triển khai tại Thái Lan; đánh giá các chính sách phân phối thu nhập cụ thể của Thái Lan; nhận diện một số chính sách phân phối thu nhập chính của Thái Lan từ đó đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

29. Quản trị nhà nước trong nền kinh tế số ở một số nước châu Âu (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS.TS. Đặng Minh Đức

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20944

Tóm tắt: Kinh tế số là hoạt động kinh tế trong đó yếu tố quan trọng trong sản xuất là dữ liệu số, xử lý khối lương lớn và so sánh với các hình thức quản lý truyền thống có thể cải thiện đáng kể hiệu quả của các loại sản xuất, công nghệ, thiết bị, bảo quản, bán hàng, giao hàng và dịch vụ. Nói cách khác, nền kinh tế số là hoạt động liên quan trực tiếp đến sự phát triển của kỹ thuật số công nghệ máy tính, các yếu tố chính của nền kinh tế kỹ thuật số là thương mại điện tử, ngân hàng internet, thanh toán điện tử… Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu như Estonia, Ba Lan, Pháp… đã lấy công nghệ làm cốt lõi, tận dụng công nghệ số, để từ đó các chính phủ xây dựng các chiến lược chuyển đổi số, quản trị quốc gia, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, hòng không bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu. Trên cơ sở phân tích quan niệm và đặc trưng của kinh tế số, nhóm nghiên cứu tập trung đánh giá các yếu tố, yêu cầu đặt ra của quản trị nhà nước; nền tảng pháp lý hỗ trợ cho quản trị nhà nước và đánh giá thực tiễn triển khai, đóng góp của quá trình thay đổi phương thức quản trị ở các quốc gia như Estonia, Pháp và Ba Lan. Qua những thành công, hạn chế trong triển khai chuyển đổi số các nước này, nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam tiếp thu một cách có chọn lọc các kinh nghiệm xây dựng và triển khai các mục tiêu, hành động, giải pháp then chốt để thúc đẩy, phát triển kinh tế số thành công tại Việt Nam.

 

30. Công nghiệp văn hóa ở một số quốc gia châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20945

Tóm tắt: Cuốn sách đưa ra bức tranh khái quát về lý luận và thực tiễn về phát triển công nghiệp văn hóa của các quốc gia châu Âu, trong đó nhấn mạnh vào ba quốc gia Anh, Pháp, Ý, từ đó đưa ra kinh nghiệm gợi mở cho phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương: Chương 1 - Nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa; Chương 2 - Phát triển công nghiệp văn hóa ở Anh; Chương 3 - Phát triển công nghiệp văn hóa ở Pháp; Chương 4 - Phát triển công nghiệp văn hóa ở Đức; Chương 5 - Những bài học gợi mở cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

 

31. Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1954 – 1965) (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS. TS. Đinh Quang Hải

NXB: KHXH, năm 2023

Địa chỉ tài liệu: V20946

Tóm tắt: Nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1. Nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ sau ngày hòa bình lập lại (Năm 1954);

Chương 2. Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, từng bước cải thiện đời sống nông dân Đồng bằng Bắc Bộ (1955-1957);

Chương 3. Cải tạo thành phần kinh tế cá thể, sản xuất nhỏ, xác lập thành phần kinh tế tập thể ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ (1958-1960);

Chương 4. Nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

 

32. Từ điển giải thích thuật ngữ báo chí

Tác giả: TS. Quách Thị Gấm

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20947

Tóm tắt: Nội dung cuốn sách nhằm tường giải ngắn gọn các thuật ngữ báo chí tiếng Việt, qua đó giúp người dùng có thể hiểu chính xác các khái niệm chuyên ngành, đáp ứng phần nào nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về báo chí của những người hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí và mọi độc giả quan tâm trong lĩnh vực này, trong đó, có sự tiếp nhận tri thức nhân loại, đồng thời giới thiệu, tổng kết các tri thức chuyên ngành báo chí được thể hiện thông qua hệ thống khái niệm khoa học báo chí. Đây là một nhu cầu cấp thiết, bởi vì hiện nay chúng ta hầu như chưa có một cuốn từ điển giải thích thuật ngữ báo chí nào, hầu hết các từ điển báo chí hiện có thuộc loại hình từ điển đối chiếu. Công việc biên soạn cuốn từ điển này còn thực hiện một chức năng khác đó là góp phần chuẩn hóa, thống nhất thuật ngữ báo chí nói riêng và thuật ngữ khoa học tiếng Việt nói chung. Qua đó, định hướng người dùng đến thuật ngữ chuẩn, nghĩa là thuật ngữ đảm bảo tính chính xác về mặt nội dung, phù hợp với hệ thống và ngắn gọn về hình thức.

 

33. Vận dụng phương pháp định lượng và định tính trong nghiên cứu: Từ hình thành ý tưởng đến phát hiện khoa học

Tác giả: GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi

NXB: KHXH, năm 2024

Địa chỉ tài liệu: V20948     V20949

Tóm tắt: Các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính nằm trong số những điểm tựa quan trọng nhất giúp tạo ra tri thức khoa học nói chung, và tri thức khoa học xã hội nói riêng. Việc vận dụng một cách đúng đắn hai loại hình phương pháp này trong nghiên cứu xã hội nhằm có được những phát hiện bảo đảm tính khoa học đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu cũng như các giảng viên, học viên ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong thực tế đối với nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam, việc vận dụng đúng kỹ thuật của hai loại hình phương pháp này còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội, cuốn sách này cung cấp cơ sở lý thuyết và các kỹ thuật vận dụng phương pháp định lượng và định tính trong quá trình nghiên cứu, từ việc xây dựng ý tưởng nghiên cứu đến việc thu thập và phân tích thông tin nhằm có được những phát hiện mới về mặt khoa học. Cuốn sách là sản phẩm chắt lọc kinh nghiệm từ nhiều năm nghiên cứu khoa học xã hội và giảng dạy về phương pháp nghiên cứu của các tác giả. Nhiều ví dụ đã được trình bày nhằm minh họa cho việc vận dụng lý thuyết và kỹ thuật phân tích định lượng và định tính.

  • Đinh Thúy Ngà