Luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam

  • 29/12/2021
  • 140
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

TCCS -  Suốt 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam không ngừng nỗ lực cống hiến, hy sinh, lao động sáng tạo hết mình để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh giữ gìn, phát huy, nối dòng mạch chảy của nghệ thuật dân tộc - đương đại, hun đúc nên truyền thống vẻ vang của Nhà hát. Bề dầy truyền thống rất đỗi tự hào là tài sản quý báu và nguồn động lực to lớn để Nhà hát kế thừa, đổi mới và phát triển trong điều kiện hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nghệ thuật và nhiệm vụ chính trị được giao.     

Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam là đoàn nghệ thuật cách mạng đầu tiên của Việt Nam, ra đời từ sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người đã đặt tên cho Đoàn.

Bác Hồ gặp gỡ các nghệ sĩ Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam sau chuyến lưu diễn tại Liên bang Xô Viết trở về (năm 1966)_Ảnh: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam cung cấp

Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam ngày nay, được thành lập năm 1951. Ngày 17-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 172-SL thành lập trong Bộ Quốc gia giáo dục một Vụ Văn học Nghệ thuật. Một trong những nhiệm vụ của Vụ Văn học Nghệ thuật là “mở các trường và các lớp huấn luyện âm nhạc, ca kịch, hội họa, kiến trúc”; theo đó, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương được thành lập tại chiến khu Việt Bắc với nhiều bộ môn như ca, múa, nhạc, kịch, chèo. Chức năng, nhiệm vụ ban đầu của Đoàn là “sưu tầm, khai thác, sáng tác, biểu diễn các tiết mục về chèo, ca múa nhạc, kịch nói phản ánh cuộc sống, chiến đấu sản xuất” của các lực lượng công, nông, binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, tổ nhạc được tách ra và thành lập Đoàn Ca vũ nhân dân Trung ương. Tháng 6-1957, Đoàn được Bác Hồ đổi tên là Đoàn Ca Múa Trung ương. Năm 1964, Đoàn chính thức mang tên Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam cho đến nay.

Dù có những thay đổi về tên gọi, tổ chức, song trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam vẫn gánh vác trên vai nhiệm vụ chính là dàn dựng và biểu diễn các chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc về dân gian, dân tộc; các chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc Việt Nam đương đại bảo đảm tính dân tộc và hiện đại, các tiết mục nghệ thuật của các nước trên thế giới phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mĩ của người xem. Sưu tầm, lưu giữ, sáng tạo thể nghiệm và phát triển hiện đại nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian, dân tộc; tổng kết kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghệ thuật trong sáng tác và biểu diễn, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật ca, múa, nhạc của các dân tộc trên thế giới nhằm bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc Việt Nam…

Với định hướng đúng đắn phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ được cốt cách dân tộc, vừa mang hơi thở mới của thời đại, 70 năm qua, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, từ đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhân viên, cơ sở vật chất đến chất lượng và quy mô nghệ thuật. Chính phương châm đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu, là linh hồn và rường cột trong từng bước đi, mọi quyết sách phát triển, nên “đất lành chim đậu”, Nhà hát là nơi hội tụ của lớp lớp nghệ sĩ tài năng, xuất sắc của nền nghệ thuật ca, múa, nhạc của nước nhà, cùng tận tâm tận lực miệt mài khổ luyện, lao động sáng tạo, nhiệt huyết viết nên những trang sử vẻ vang của Nhà hát, gắn liền với những bước trưởng thành của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam, đi liền với những mốc son chói lọi của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, các nghệ sĩ của Nhà hát trong những năm tháng đầy gian khó đã góp mặt trên hầu hết các chiến trường cùng với các đoàn quân can trường giương cao lá cờ quyết chiến quyết thắng trên tất cả các mặt trận. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đem lời ca, tiếng hát phục vụ các đơn vị dân công, bộ đội tham gia các chiến dịch, các công binh xưởng, các cơ quan, các đại hội ở chiến khu cách mạng, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ...

Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Hà và Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà (Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam) biểu diễn phục vụ công nhân tại cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa (năm 1964)_Ảnh: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam cung cấp

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà hát là một trong những đơn vị đầu tiên thành lập đội xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân “Tuyến lửa” Vĩnh Linh, Quảng Bình. Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, mặc dù chỉ với các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe thồ để chở các phương tiện kỹ thuật, bảo đảm tính cơ động dã chiến, Nhà hát tổ chức nhiều lần đi biểu diễn phục vụ hỏa tuyến. Đến đâu cần là tất cả các nghệ sĩ cùng hoà mình, khẩn trương triển khai sân khấu phục vụ chiến sĩ các đơn vị trên đường hành quân ra mặt trận, diễn bên mâm pháo, dưới chiến hào. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, những tiếng hát vẫn át tiếng bom, những điệu múa, tiếng đàn vẫn tung cánh bay, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội, dân quân.

Để chia sẻ với chiến trường miền Nam, Nhà hát đã cử một số diễn viên giỏi vượt Trường Sơn vào chiến trường B. Trên những mặt trận ác liệt của chiến trường B, đi sâu vào vùng địch hậu, mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ, tay đàn, tay súng, phục vụ chiến trường. Đã có những nghệ sĩ của Nhà hát anh dũng hy sinh, để lại bao tiếc thương cho đồng đội, đồng chí, đồng bào, nhưng lời ca, tiếng hát của các anh, các chị vẫn còn sống mãi trong trái tim của những người lính, tiếp thêm sức mạnh để đoàn quân đi đến ngày chiến thắng cuối cùng.

Nhà hát được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đi cùng bộ đội vào giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Nam, đến tận Sài Gòn. Những ngày đầu tiên sau giải phóng, Nhà hát đã biểu diễn khắp các tỉnh miền Nam, từ lục tỉnh đến tận mũi Cà Mau. Chương trình biểu diễn của Nhà hát đã làm chấn động dư luận khán giả vùng mới giải phóng với nghệ thuật cách mạng, nghệ thuật miền Bắc xã hội chủ nghĩa dịu dàng, duyên dáng, giàu tính thẩm mĩ và độc đáo.

Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam là đơn vị nghệ thuật thường xuyên được biểu diễn phục vụ Bác Hồ, biểu diễn trong các tiệc Bác Hồ thay mặt Chính phủ Việt Nam chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, quốc hội, tổ chức xã hội ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngoài ra, Nhà hát góp sức xây dựng nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước, như Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam, Trường Múa Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Đoàn Ca múa Giải phóng… (trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ); Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn Ca múa nhạc Tháng Tám (Thành phố Hồ Chí Minh), Phân hiệu Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh… (sau khi đất nước thống nhất). Năm 1986, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam được tách ra từ Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam.

Nhà hát còn phụ đạo, tập huấn xây dựng chương trình cho các đoàn ca múa các tỉnh, như: Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Khánh Hòa… và xây dựng phong trào ca múa nhạc quần chúng ở các tỉnh: Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ngoài góp phần xây dựng các đơn vị nghệ thuật trong nước, Nhà hát còn cử các nghệ sĩ sang làm chuyên gia góp phần xây dựng Đoàn Ca múa Trung ương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Campuchia.

Trong công tác đối ngoại, quảng bá - giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước trên thế giới, Nhà hát không chỉ làm tốt nhiệm vụ động viên tinh thần nhân dân, quân đội trong kháng chiến, mà còn góp phần là nhịp cầu đưa văn hóa Việt Nam, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới, làm rạng rỡ nền văn hoá Việt Nam. Sau năm 1954, giữa muôn vàn gian khó và thiếu thốn, các nghệ sĩ của Nhà hát đã xây dựng được những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Rumani, Ba Lan. Bài giao hưởng “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mở màn cho chương trình, đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam anh hùng trong chiến đấu, nhưng cũng rất tinh tế trong âm nhạc. Năm 1968, Đoàn hành quân theo các chiến sĩ Pa thét Lào phục vụ chiến dịch Pa Thí - Mốc Lốc, được Nhà nước Lào tặng Huân chương Pa thét Lào hạng Nhất và Nhà nước ta tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Hoàng thân Xu- pha-nu-vông đã nói khi trao tặng huân chương cao quý cho Đoàn: “Đây là quê hương thứ hai của Đoàn. Hằng năm, các cháu hãy sang đây biểu diễn”(1). Năm 1969, tại Hội nghị Paris, với những tiết mục âm nhạc dân tộc xuất sắc, các nghệ sĩ của Đoàn lại thêm một lần giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới rất ấn tượng. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam nhớ lại: “Những buổi biểu diễn ở Pháp đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè Pháp. Sau buổi biểu diễn, mọi người đều đứng lên vỗ tay không ngớt và hô vang: Việt Nam! Hồ Chí Minh! Điện Biên Phủ!”. Có thể nói, nghệ thuật Việt Nam… đã góp vào sự thành công của các hoạt động ngoại giao Việt Nam”(2).  

Những tiết mục, chương trình nghệ thuật của Nhà hát góp phần làm nên những chiến thắng trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta; xây dựng đất nước, con người mới xã hội chủ nghĩa; giáo dục thẩm mĩ cho nhân dân, thế hệ trẻ... Các nghệ sĩ của Nhà hát luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(3).

Chương trình nghệ thuật do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam biểu diễn tại tiệc chiêu đãi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tháng 3-2019_Ảnh: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam cung cấp

Là đơn vị nghệ thuật uy tín, Nhà hát luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng giao trọng trách chủ trì nghệ thuật biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, như biểu diễn các chương trình đón nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, các tổ chức trên thế giới khi đến thăm Việt Nam và các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ đối ngoại do lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và làm việc tại nước ngoài. Nhà hát đã tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật tại nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới trong khuôn khổ hiệp định hợp tác văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước, sự kiện kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước và Việt Nam. Đặc biệt, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới, Nhà hát dàn dựng thành công nhiều tác phẩm âm nhạc, múa, hát của nước ngoài để phục vụ các hội nghị và giao lưu quốc tế… Thông qua các hoạt động biểu diễn này giúp cho khán giả quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, quảng bá về hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thêm yêu đất nước mình, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhà hát cũng tổ chức xây dựng, thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn, quan trọng của đất nước (cấp nhà nước), như: Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2-9, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Những chương trình nghệ thuật do Nhà hát thực hiện luôn mang tính chính luận, có giá trị nghệ thuật cao, đặc sắc, hấp dẫn, quy mô, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả, được bè bạn quốc tế khen ngợi và đánh giá cao. Các hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát chú trọng đầu tư xây dựng có chất lượng cao.

Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, ban lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu vươn lên, không ngừng học hỏi, đổi mới để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, của nhiệm vụ chính trị được giao, với cách nhìn, tiếp cận mới về quan điểm nghệ thuật biểu diễn, thích ứng với xu thế mới của xã hội. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng Nhà hát cố gắng hài hòa hóa và giải quyết mối quan hệ giữa việc vừa bảo đảm chất lượng chuyên môn, vừa thích ứng với cơ chế thị trường. Nhà hát là một trong những đơn vị đã tự chủ toàn phần về tài chính từ năm 2015 đến nay; hoàn thành xuất sắc và vượt kế hoạch trong công tác biểu diễn. Qua 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà hát vượt qua khó khăn về tài chính khi bị cắt giảm ngân sách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhà hát không ngừng cải tiến công tác tổ chức phục vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đảng ủy, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, diễn viên, người lao động đã đoàn kết, thống nhất và hoạt động đều tay trên các mặt công tác, cố gắng tăng doanh thu của Nhà hát qua các năm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc đưa khán giả đến rạp gặp nhiều thách thức do sự cạnh tranh của các loại hình truyền thông mới, những sự trợ giúp đặt hàng biểu diễn nghệ thuật hạn chế... Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đơn vị phải lấy thu bù chi; nhiều chương trình phục vụ nhiệm vụ chung, Nhà hát phải bù lỗ một phần bằng chính nguồn tài chính của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khắc nghiệt khiến nhiều đơn vị nghệ thuật lao đao, kể cả những đơn vị nghệ thuật mạnh, được đầu tư lớn, nhưng Nhà hát vẫn nỗ lực vượt qua bằng sức sáng tạo và chất lượng nghệ thuật, sự đoàn kết, nhân văn, lòng yêu nghề, để tất cả cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đều giữ được công việc, bảo đảm thu nhập, các chế độ, chính sách phúc lợi, “không ai bị bỏ lại phía sau” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Nhà hát cũng là nơi lưu giữ “bản đồ” và kho tàng âm nhạc và múa dân tộc, khi đi đầu trong thực hiện công tác sưu tầm, khai thác, phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian, dân tộc - một trong những nhiệm vụ, chức năng chính của Nhà hát. Suốt 70 năm qua, Nhà hát luôn xác định lấy âm nhạc dân tộc là mục tiêu phát triển; là đơn vị đầu tiên tổ chức được những đợt sưu tầm liên ngành (múa, nhạc, họa) có quy mô lớn và dài hạn. Qua kết quả sưu tầm múa, âm nhạc, nhạc cụ, phục trang, kết hợp tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán, lễ hội… của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Hmông, Cao Lan, Lô Lô…, các nghệ sĩ của Nhà hát xây dựng được hệ thống các tiết mục múa dân tộc khá đầy đủ, đưa vào giáo trình giảng dạy của các trường múa ở Việt Nam, đồng thời từ việc sưu tầm để có chất liệu sáng tác được những điệu múa có chất lượng cao, như: Múa ô, múa khèn, hẹn hò, mùa xuân tiễn đưa (Hmông); các màn thơ múa chim gâu, múa chim non tung cánh (Cao Lan); màn múa khâu giày tặng người yêu (Lô Lô)... Nhà hát đã nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu quả biểu diễn nhiều nhạc cụ dân tộc, trong đó một số nhạc cụ đã được giải thưởng về cải tiến, như: đàn T’rưng, sáo Hmông, sáo ngang, đàn klắc (cải tiến Ăngklung), kơní… Hằng năm, Nhà hát đều cử các nhạc sĩ, biên đạo đi nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật dân gian, dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cải tiến nhạc cụ. Những làn điệu dân ca của các dân tộc được khai thác đưa lên sân khấu biểu diễn hiệu quả; nhiều tác phẩm múa, hoà tấu, độc tấu nhạc cụ kinh điển của Việt Nam đang được nhà hát phục dựng lại... Nhà hát thực sự trở thành mảnh đất ươm trồng về cải tiến nhạc cụ, về thủ pháp diễn tấu.

Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam biểu diễn tại Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41_Ảnh: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam cung cấp

Việc duy trì và thu hút đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên có chất lượng là vấn đề mang tính sống còn đối với sự phát triển của Nhà hát. Trong lịch sử phát triển của mình, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam là nơi hội tụ nhiều tài năng nghệ thuật, đào tạo nhiều nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc; nhiều người là những tài năng bậc thầy, tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng, như Thế Lữ, Nguyễn Văn Thương, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thái Ly, Học Phi, Thái Thị Liên, Quốc Hương, Mai Khanh, Tân Nhân, Khánh Vân, Trần Quý, Cao Việt Bách, Chu Thúy Quỳnh, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Đinh Thìn, Bá Phổ, Đoàn Anh Tuấn, Mạnh Hà, Kiều Hưng, Thu Hiền, Quang Thọ, Trung Đức, Quang Vinh, Thái Bảo… Nhà hát đã tập trung công tác đào tạo bổ sung, bồi dưỡng nguồn nhân lực, với việc thực hiện Đề án đào tạo bổ sung nguồn nhân lực của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2025, bước đầu tuyển sinh mới được số diễn viên ca, múa về dân gian, dân tộc; cử cán bộ, diễn viên của Nhà hát đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng biểu diễn sân khấu ở trong và ngoài nước; nhận sinh viên có triển vọng ở các trường nghệ thuật về Nhà hát để vừa học, vừa thực tập biểu diễn, bảo đảm các chế độ ưu đãi… Do đó, Nhà hát luôn là đơn vị chủ động về nguồn diễn viên, sẵn sàng có lớp diễn viên kế cận.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam được tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng, giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba); danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, nhiều huân, huy chương quốc tế…; có 10 diễn viên, nghệ sĩ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 30 người đoạt Giải thưởng Nhà nước, 37 người được công nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 90 người được công nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú...

Nhìn lại chặng đường 70 năm đã đi qua, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam thêm tự hào về truyền thống vẻ vang được xây dựng bằng bao công sức và bằng cả sinh mệnh của các nghệ sĩ của Nhà hát. Truyền thống rất đỗi tự hào ấy là động lực để Nhà hát tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành nhà hát quốc gia có thương hiệu và uy tín, được khán giả khắp mọi miền đất nước yêu quý, mãi xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam./.

--------------------------
(1) Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam: Báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất
(2) Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam: 60 năm chặng đường lịch sử 1951 - 2011, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2011, tr. 15
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246