Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”

  • 29/11/2023
  • 55
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Ngày 1-11-2023, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức diễn ra. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2) do KOICA tài trợ.

Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa; cùng tham dự hội thảo có các nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia Hàn Quốc đến từ Quỹ Xúc tiến Truyền thông Hàn Quốc và Đại học Korea.


Toàn cảnh hội thảo_Ảnh: Nguyễn Thùy

Phát biểu chào mừng hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách” là hội thảo thứ 8 trong loạt hội thảo về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016 đến nay. Năm 2023 được coi là năm chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các bộ, ngành trung ương và các địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản khẳng định, truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, truyền thông chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng; xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; là một phần trong hoạt động của Nhà nước nhằm đưa thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân. Vai trò của truyền thông chính sách không chỉ giới hạn để cung cấp thông tin, mà còn có chức năng giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân; trực tiếp phục vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Bên cạnh đó, truyền thông chính sách cũng là một phương thức để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quảng bá hình ảnh về một nền hành chính hiện đại, gần dân, sát dân, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hội thảo này nhằm tập trung làm rõ về nguồn lực dành cho truyền thông chính sách.

Hội thảo gồm 1 phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề với 8 tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày (trong đó có 3 tham luận của chuyên gia Hàn Quốc) và 5 ý kiến trao đổi tại hội trường. Phiên 1 tập trung vào thực trạng đầu tư, huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách. Phiên 2 tập trung vào các kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp để bảo đảm nguồn lực cho các cơ quan báo chí, truyền thông chính sách.

Hội thảo tập trung làm rõ những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về truyền thông chính sách; kinh nghiệm và cách làm hay trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường công tác truyền thông, chính sách đã tạo ra sự chuyển động rõ nét trong nhận thức và cách tiếp cận của các bộ, ngành và cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.

PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo_Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa đã đề cập đến những thách thức mà truyền thông chính sách gặp phải trong bối cảnh mới hiện nay, càng khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông chính sách: “Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và các thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy và tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của một nền báo chí đáng tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông chính sách lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ làm truyền thông.

Nhận định này được PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, trong bối cảnh truyền thông số và bùng nổ thông tin hiện nay, cần đào tạo các nhà báo, nhà truyền thông chính sách chuyên nghiệp và cho biết, từ năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở chương trình cử nhân truyền thông chính sách nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bộ, ngành và cơ quan báo chí. Việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường truyền thông chính sách. Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phông kiến thức chính trị, kinh tế và xã hội, nhà báo, nhà truyền thông chính sách cần tham khảo mô hình, kinh nghiệm quốc tế.  PGS, TS Phạm Minh Sơn cho biết, hội thảo đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn của truyền thông chính sách nói chung và xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển động chính sách nói riêng. Qua đó, có thể thấy nguồn lực này còn hạn chế về mặt số lượng cũng như chất lượng và đặt ra vấn đề tăng cường nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho công tác này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng chính là mục tiêu của hội thảo, nhận diện vấn đề đặt ra hiện nay và đề xuất những kiến nghị để tăng cường nguồn lực truyền thông chính sách trong thời gian tới./.

  • Nguyễn Thị Thùy Linh