Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ

  • 10/01/2024
  • 79
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Ngày 25-12-2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”.

Các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo_Ảnh: Mạnh Thắng

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm thảo luận, tổng kết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, đề ra những giải pháp, nhất là trong tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ. Hội thảo còn góp phần tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua đã tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, những điểm nghẽn, hạn chế, khó khăn còn tồn tại và rút ra các bài học kinh nghiệm căn cốt, được thể hiện tập trung trong bài phát biểu bế mạc hội nghị quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để hội thảo tiếp tục bàn thảo.


GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo_Ảnh: M. Thắng

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới, trong nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều biến động khó dự báo. Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích làm sâu sắc hơn các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung thảo luận, làm rõ các biện pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động để các hội đồng vùng có thẩm quyền thực chất, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, khắc phục tư duy cục bộ, thiếu phối hợp trong triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng; đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh từ nay đến hết nhiệm kỳ, tạo lập nền tảng thể chế đồng bộ, thống nhất cho sự phát triển của các vùng kinh tế và các địa phương.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Nhấn mạnh các biện pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị mất việc làm và các doanh nghiệp gặp khó khăn; chính sách an sinh xã hội và chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục có những đột phá thật sự để tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhất là về phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực, cơ chế hợp tác công - tư, sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)…

Thứ tư, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với thực tiễn của các vùng, địa phương, địa bàn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu quấy rối, chống phá của các thế lực thù địch; tuyệt đối không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và nền ngoại giao toàn diện.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Yêu cầu nhấn mạnh giải pháp để tiếp tục ban hành và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả, nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới của Đảng, trong đó có Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Các đại biểu trao đổi tại phiên tham luận bàn tròn_Ảnh: Mạnh Thắng

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên chuyên đề với hơn 70 tham luận. Trong phần thảo luận của phiên 1 có 5 ý kiến phát biểu trực tiếp, 3 ý kiến trao đổi, thảo luận tại chỗ. Trong phần thảo luận của phiên 2, tổ chức thành tọa đàm bàn tròn giữa diễn giả và 5 chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản trị đến từ nhiều cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương.

Tại phiên thứ nhất, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp xác đáng, quan trọng để trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra trong các lĩnh vực: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trong phần thảo luận phiên 2, tọa đàm bàn tròn xoay quanh các vấn đề về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong  một bộ phận cán bộ, đảng viên; về quốc phòng, an ninh trong bối cảnh hiện nay và những thách thức đặt ra cho Việt Nam; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách xã hội…


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu kết luận hội thảo_Ảnh: Mạnh Thắng

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định, từ những đánh giá khách quan, toàn diện, tác động nhiều chiều đối với kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong đó có minh chứng sinh động từ thực tiễn của các ngành, địa phương, đơn vị, các đại biểu tập trung đề xuất, lý giải những giải pháp quan trọng, cơ bản. Những ý kiến đề xuất của các đại biểu đã gợi mở một số vấn đề lý luận và kết quả tổng kết thực tiễn, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng: “Không phải Ðại hội bế mạc là coi như xong. Ðây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Ðại hội”. đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, thành công của hội thảo sẽ góp phần tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, để từ đó tạo ra những đột phá quan trọng hơn nữa, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay cho đến hết nhiệm kỳ./.

  • Gia Bảo