Ngày 18-1-2024, tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề: “Mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với công tác công an”.
Các đồng chí: Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an; Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản và đồng chí Trung tướng, GS, TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có gần 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan đồng tổ chức, các ban, bộ, ngành trung ương; các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công an nhân dân...
Quang cảnh hội thảo_Ảnh: Nguyễn Thùy
Hội thảo khoa học là dịp để các nhà khoa học, các đại biểu nghiên cứu sâu sắc thêm về mối quan hệ giữa dân chủ, pháp chế, kỷ cương xã hội, từ đó soi rọi vào hoạt động của công tác công an.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta đã chỉ ra cần phải nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn thứ mười.
Trung tướng, GS, TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu đề dẫn tại hội thảo_Ảnh: Nguyễn Thùy
Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng này, đòi hỏi cần phải hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm hành lang pháp lý cũng như điều kiện cho việc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, với nhiều thành tựu ưu việt của khoa học và công nghệ, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần nhận thức đúng đắn và toàn diện về dân chủ và thực hành dân chủ theo các nguyên tắc, yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng Hiến pháp và tuân thủ pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn trong và ngoài ngành công an. Các báo cáo tham luận của các tác giả có sự đầu tư công phu, nghiêm túc, có hàm lượng khoa học cao, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng phân tích, luận giải trên nhiều khía cạnh khác nhau của mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Tại hội thảo, có 12 ý kiến tham luận phát biểu trực tiếp, tập trung làm rõ về: Phát huy vai trò của công tác dân vận góp phần giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam; một số ý kiến về phương pháp giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam hiện nay; về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta; thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trên lĩnh vực an ninh, trật tự để bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn; thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và vấn đề đang đặt ra, đề xuất quan điểm cho thời gian tới; nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội qua 40 năm đổi mới của Đảng; giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội nhằm góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới...
Tham luận "Một số ý kiến về phương pháp giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam hiện nay", PGS, TS Phạm Minh Tuấn tập trung làm rõ một số vấn đề: Một số nội dung cơ bản về pháp chế và dân chủ trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa hiện nay; những khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an phát biểu kết luận hội thảo_Ảnh: Nguyễn Thùy
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, những ý kiến tham luận trong hội thảo có giá trị về lý luận và thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng để với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, lực lượng công an nhân dân tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong tình hình hiện nay.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị Ban Thư ký hội thảo tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ thực tiễn, các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, công an các đơn vị, địa phương để báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an để kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội gắn với việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở nước ta./.